Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô 2024

giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Nội dung chính:

Trong năm 2024, ngành giao thông vận tải đặt ra mục tiêu tăng trưởng khối lượng vận tải hành khách, hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh vận tải trên cả nước được đẩy mạnh theo hướng hiện đại hóa, vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính

Qua đó, hồ sơ, thủ tục có nhiều đổi mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Luật Gia Thịnh xin chia sẻ chi tiết các điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hi vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn để bắt đầu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Căn cứ pháp lý về giấy phép kinh doanh vận tải

Quy trình đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cần tham khảo các quy định sau đây:

STT Tên văn bản Cơ quan ban hành Ngày ban hành Ngày có hiệu lực
1 Luật Giao thông đường bộ Quốc hội 28/11/2008 01/07/ 2009
2 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô Chính phủ 17/01/2020 01/04/ 2020
3 Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP Chính phủ 19/07/2022 01/09/ 2022
4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường Bộ Giao thông vận tải 29/05/2020 15/07/ 2020

Giấy phép kinh doanh vận tải là gì?

Giấy phép kinh doanh vận tải là giấy phép do cơ quan có thẩm quyền về Quản lý giao thông vận tải cấp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.

Điều kiện xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Điều kiện chung

điều kiện xin giấy phép kinh doanh vận tải
Điều kiện xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô mới nhất

Theo quy định tại Điều 67 Luật giao thông đường bộ năm 2008, để hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng quy định thì chủ thể kinh doanh vận tải (doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã) phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Phải thực hiện đăng ký xin giấy phép kinh doanh vận tải trước khi hoạt động;
  • Phương tiện phải đảm bảo chất lượng, số lượng, còn niên hạn sử dụng, phù hợp hình thức kinh doanh vận tải;
  • Phương tiện vận tải phải có thiết bị camera giám sát hành trình đạt chuẩn;
  • Người điều hành phải có trình độ chuyên môn, băng cấp, chứng chỉ về vận tải;
  • Tài xế, nhân viên phụ xe phải đảm bảo số lượng và phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản;
  • Nhân viên phục vụ phải thường xuyên tập huấn cập nhật nghiệp vụ kinh doanh vận tải;
  • Bãi đỗ xe phải phù hợp với quy mô doanh nghiệp, luôn đảm bảo an toàn, trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ có thể xảy ra.

Điều kiện riêng

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định:

Phải có văn bản chấp thuận của Sở Giao thông vận tải nơi khai thác tuyến;

Phương tiện vận tải phải đáp ứng được số lượng tối thiểu;

Ngoài ra, chủ thể kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 4 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP như nội dung quản lý tuyến, tiêu chuẩn xe ô tô, phù hiệu xe, …

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định:

Phải đăng ký khai thác tuyến theo quy định và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi khai thác tuyến vận tải chấp thuận  bằng văn bản.

Phải đáp ứng được tổng số xe tối thiểu theo quy định.

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi:

Có nơi đỗ đậu xe đảm bảo an toàn, trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

Có đội ngũ nhân viên lái xe đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Phương tiện kinh doanh vận tải đảm bảo chất lượng, số lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác theo quy định.

Ngoài ra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container:

Có đội ngũ nhân viên lái xe đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Phương tiện kinh doanh vận tải đảm bảo chất lượng, số lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác theo quy định.

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:

Có đội ngũ nhân viên lái xe đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Phương tiện kinh doanh vận tải đảm bảo chất lượng, số lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác theo quy định.

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bao gồm:

  • Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
  • Văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải (Bản sao);
  • Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử (Bản sao hoặc bản chính).

Đối với hộ kinh doanh vận tải:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bao gồm:

  • Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Bản sao);

Thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô

Thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải trực tiếp

thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải hành khách
Quy trình thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa trực tiếp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khi thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cần chuẩn bị đầy đủ và chính xác các thành phần hồ sơ như đã nêu ở trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ nêu trên, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải nộp 01 bộ đến Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định.

Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải online

Hiện nay, ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa xe ô tô với hình thức trực tiếp thì doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có thể đăng ký và nộp hồ sơ bằng hình thức online. Việc này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cũng như nộp hồ sơ được thực hiện nhanh chóng hơn.

thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải
Quy trình thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải online

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khi thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hình thức online cần chuẩn bị các hồ sơ như hình thức nộp trực tiếp. Hồ sơ được ký tên, đóng dấu và scan thành từng file PDF để tải lên cổng dịch vụ công.

Bước 2: Tạo tài khoản trên cổng thông tin dịch vụ công

Truy cập vào cổng thông tin dịch vụ công theo đường link sau: https://qlvt.mt.gov.vn/ và tạo tài khoản đơn vị kinh doanh vận tải theo hướng dẫn.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Sau khi tạo tài khoản thành công, bạn đăng nhập tài khoản của đơn vị kinh doanh vận tải.

  • Chọn thủ tục: Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
  • Nhập các thông tin cụ thể lên hệ thống
  • Tải bộ hồ sơ PDF lên hệ thống
  • Nộp hồ sơ.

Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo đến đơn vị kinh doanh vận tải để thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định.

Bước 4: Nhận kết quả

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định.

Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Các việc cần làm sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải

Sau khi nhận được Giấy phép thì đơn vị vận tải cần thực hiện các việc sau:

  • Kiểm tra lại phương tiện và các thiết bị như định vị, camera, đèn báo hiệu, … đáp ứng đủ điều kiện vận tải.
  • Tiến hành thủ tục đăng ký phù hiệu xe theo đúng quy định
  • Thực hiện các chế độ báo cáo đầy đủ theo quy định

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh vận tải

Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Do đó, khi bạn nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải thì bộ phận một cửa của Sở giao thông vận tải sẽ tiếp nhận, xử lý và cấp giấy phép cho bạn.

Mẫu giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Nội dung Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gồm các nội dụng được sắp xếp theo thứ tự như sau:

mẫu giấy phép kinh doanh vận tải
Mẫu giấy phép kinh doanh vận tải mới nhất
  • Tên giấy phép: GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ;
  • Số hiệu, ngày cấp, số lần cấp;
  • Tên công ty, hộ kinh doanh hoặc hợp tác xã đăng ký;
  • Địa chỉ, số điện thoại của đơn vị;
  • Số, ngày cấp, nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Họ tên của người đại diện theo pháp luật của công ty, hợp tác xã hoặc người đại diện chủ hộ kinh doanh;
  • Loại hình kinh doanh vận tải đủ điều kiện được cấp phép hoạt động;

Thời hạn có hiệu lực của giấy phép kinh doanh vận tải

Theo quy định hiện nay, Giấy phép kinh doanh vận tải không có thời hạn. Tuy nhiên, đơn vị kinh doanh vận tải phải luôn đảm bảo các điều kiện trong suốt quá trình hoạt động.

Trong trường hợp giấy phép kinh doanh vận tải bị mất, hư hỏng đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép.

Các trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải

Trường hợp 1: Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

  • Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
  • Không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục;
  • Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;
  • Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.

Trường hợp 2: Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh có thời hạn từ 01 đến 03 tháng khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

  • Có trên 20% số phương tiện vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu xe trong thời gian hoạt động 03 tháng liên tục;
  • Có trên 20% số phương tiện kinh doanh vận tải chở quá tải theo quy định đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm về không bảo đảm điều kiện kỹ thuật của xe;
  • Có trên 10% số lái xe điều khiển phương tiện vận tải bị cơ quan có thẩm quyền tước Giấy phép lái xe có thời hạn;
  • Có trên 10% số phương tiện vận tải mà người điều khiển vi phạm pháp luật gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên;
  • Vi phạm về hoạt động, điều kiện kinh doanh, và gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
  • Vi phạm về hoạt động, điều kiện kinh doanh, và gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Dịch vụ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải nhanh chóng tại Luật Gia Thịnh

Luật Gia Thịnh chuyên cung cấp dịch vụ giấy phép kinh doanh các loại, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh vận tải và các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Đặc biệt, Luật Gia Thịnh chúng tôi tự hào là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cung cấp dịch vụ giấy phép kinh doanh vận tải.

Đến với Luật Gia Thịnh, bạn sẽ được trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp và nhanh chóng với đội ngũ luật sư và chuyên viên giàu kinh nghiệm, tận tâm phục vụ nhằm mang đến kết quả nhanh và chính xác nhất cho khách hàng.

Công ty chúng tôi cam kết mang đến khách hàng dịch vụ pháp lý tốt nhất và không phát sinh chi phí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.

Câu hỏi thường gặp về giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ

Thời gian xử lý hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải là bao lâu?

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận tải thì doanh nghiệp cần làm gì?

Xin cấp phù hiệu, trang bị các thiết bị cần thiết và thực hiện báo cáo đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Xin giấy phép kinh doanh vận tải cần nộp các loại phí gì không?

Doanh nghiệp không phải nộp bất kỳ loại phí, lệ phí gì khi thực hiện xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ.

Kinh doanh vận tải hàng hóa có cần giấy phép không?

Bắt buộc có, vì theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP nếu không có giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách thì đơn vị vận tải sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Sử dụng xe của gia đình để chở khách và có thu phí thì có phải xin giấy phép kinh doanh vận tải không?

Sử dụng xe của gia đình để chở khách và có thu phí vẫn được xem là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Do đó cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.

Trên đây Luật Gia Thịnh đã chia sẻ chi tiết về điều kiện và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hy vọng những nội dung trên giúp bạn nắm được kiến thức để chuẩn bị cho việc đăng ký xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải được thuận lợi.

Nếu bạn có những thắc mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục, hãy liên hệ với chúng tôi để để được giải đáp. Đội ngũ chuyên viên tư vấn của chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn bất cứ thời điểm nào.

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Địa điểm kinh doanh và chi nhánh là hai mô hình hoạt động thường xuyên được doanh nghiệp lựa chọn khỉ thành lập đơn vị phụ thuộc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa biết nên thành lập chi nhánh hay địa điểm kinh doanh. Bài viết dưới đây, Luật Gia Thịnh chia sẻ các kiến […]

Kể từ ngày 01/01/2021, Quận Thủ Đức chính thức chuyển lên thành Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP. Hồ Chí Minh. Kể từ khi chuyển lên thành phố, Thủ Đức luôn là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thành lập công ty, phát triển hoạt động sản xuất […]

Đặt tên công ty trong đó đặt tên công ty tiếng anh là việc quan trọng đầu tiên bạn cần làm trước khi đăng ký thành lập công ty. Bởi lẽ tên công ty bằng tiếng anh hay tạo nên thương hiệu uy tín và chuyên nghiệp cho doanh nghiệp của bạn trên trường quốc […]

Một vấn đề pháp lý quan trọng được các hộ gia đình quan tâm khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh đó chính là việc đặt tên hộ kinh doanh cá thể của mình. Việc đặt tên có ý nghĩa quan trọng vì là một đặc điểm quan trọng để khách hàng có thể […]

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, bán hàng online là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến được nhiều cá nhân lựa chọn bởi tính tiện lợi, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao. Một trong những vấn đề được […]